Chào mừng các bạn đến với Website Trường THCS Phan Bội Châu
Tra Từ Điển
Thư Viện Violet
Thống kê truy cập
  • Online : 2
  • Hôm nay : 0
  • Hôm qua : 0
  • Tuần này : 0
  • Tháng này : 0
  • Tổng Cộng : -7
Giáo Dục-Nghiên Cứu

CON HƯ TẠI MẸ ???

Về việc giáo dục con cái, trong dân gian có câu “Con hư tại mẹ...”, điều này có nghĩa là con hư do mẹ quá chiều chuộng hoặc không biết dạy dỗ. Đã có không ít những ông bố hoặc là có thói gia trưởng, coi công việc phục vụ gia đình, chăm sóc con cái là của người mẹ, hoặc là chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái, nên đã dùng câu này để “kết tội” người mẹ khi con hư. Đến nay quan niệm này vẫn tồn tại và trong một chừng mực nào đó đã bộc lộ những mặt không phù hợp, đem lại những hậu quả không nhỏ.

Trong một gia đình, hai vợ chồng đều là giáo viên đại học. Họ có một trai và một gái. Có một dạo, do cuộc sống vợ chồng khủng hoảng, anh xoay ra uống rượu, lâu rồi thành nghiện, thành nát rượu. Đấy cũng chính là thời điểm hai đứa con đang ở tuổi “dở dang”, rất cần đến sự chăm sóc, nâng đỡ của cha mẹ về mặt tinh thần. Mặc dù cố gắng nhiều, song chị cũng chỉ uốn nắn được đứa con gái theo ý mình, còn đứa con trai thì ngày càng xa mẹ. Khi cháu vào cấp III thì mắc nghiện và sự hối hận của người cha đã quá muộn màng, đây là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy con hư không chỉ tại mẹ.

Cha mẹ là tấm gương của con cái. Nhưng với con trai thì sự tác động, dạy dỗ của người cha là vô cùng quan trọng. So với trước đây, các bé trai bây giờ có quá nhiều trò tiêu khiển, giải trí, mà trong số đó có không ít trò vừa ảnh hưởng tới thời gian học hành, vừa tiêu tốn tiền của cha mẹ như trò chơi điện tử. Theo làn sóng “văn minh” du nhập từ nước ngoài vào, tệ nạn xã hội cũng ngày càng tăng, đặc biệt là nạn tiêm chích, nghiện hút, mại dâm. Có những bậc cha mẹ không khỏi lo lắng phàn nàn rằng, trẻ em bây giờ bước ra khỏi nhà là gặp tệ nạn xã hội. Nỗi lo lắng đó không phải là không có cơ sở vì số trẻ em mắc các tệ nạn trong xã hội ngày càng tăng. Cách đây vài chục năm, hiếm có cảnh cha mẹ đến trường theo dõi con có trốn học đi đánh điện tử hay là một việc gì khác không, còn bây giờ việc đó chẳng có gì là lạ cả. Điều đó cho thấy việc giáo dục con cái, đặc biệt là con trai, ngày càng nặng nề khó khăn và là trách nhiệm chung của cả cha lẫn mẹ.

Một vài anh bạn tôi khi con trai đến tuổi trưởng thành mới cay đắng nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ mất thời gian rèn luyện con nếp sống có kỷ luật, giờ giấc, rèn luyện ý chí, sự kiên trì nhẫn nại trong việc thực hiện mục đích đặt ra...Tức là rèn luyện cho con trai những phẩm chất cần có của một người đàn ông. Lúc đứa trẻ cần cha, thì người cha lại giao phó trách nhiệm nuôi dạy con cho một mình người mẹ, còn mình thì mải mê công việc kiếm sống.

Vậy vai trò, trách nhiệm giáo dục con cái của người mẹ thời hiện đại là ở đâu? Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người mẹ đối với việc hình thành tính cách, tình cảm, nếp sống của con cái. Nhưng giữa người mẹ và con gái có nhiều điểm chung nên con cái thường học tập và chịu ảnh hưởng từ phía mẹ nhiều hơn. Sự gần gũi của người mẹ đối với con trai giúp hình thành trong các em những tình cảm nhân ái, đôn hậu, biết quan tâm tới những người xung quanh. Mặt khác, nhờ đức tính tỉ mỉ của người mẹ có thể uốn nắn cho các em một nếp sinh hoạt có văn hóa: biết làm việc nhà, đi đứng, nói năng, ăn uống ý tứ...nhưng còn nhiều điều khác các em lại nhận từ phía cha.

Đàn ông không sinh ra mà được trở thành qua quá trình sống. Con trai chỉ mang tính cách, bản lĩnh đàn ông khi được sự giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ, trong đó vai trò của người cha là đặc biệt quan trọng. Bé trai từ lúc sinh ra đến 5 tuổi là đứng về phía mẹ, từ 6 đến 8 tuổi đứng chông chênh về phía cha và mẹ. Từ 9 tuổi trở lên thì các em rất cần sự dìu dắt của người cha. Và từ 16 đến 17 tuổi các em đi đến với mọi người. Điều này thực ra không phải là mới mẻ, mà từ thời xa xưa đã lưu truyền câu chuyện: ở một vài bộ tộc, khi con trai lên 9 đến 12 tuổi, các em đã bị những người đeo mặt nạ bắt đưa vào hang lửa. Đó chính là những người cha của các em và những người đàn ông trong bộ tộc. Tại đây, các em được dạy dỗ để trở thành một người đàn ông. Một năm sau khi các em đã học được nhiều điều, có thể trở thành một người đàn ông thực sự thì được trở về nhà, và người ta cũng cho các em biết rằng những người sinh ra các em không phải là cha mẹ thực sự của các em, mà Trời và Đất mới chính là cha mẹ của các em. Các em phải biết sống hòa đồng và chinh phục Trời và Đất. Câu chuyện trên không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật và bao nhiêu phần trăm là huyền thoại, nhưng thiết nghĩ, ý nghĩa của câu chuyện còn có giá trị đến ngày nay: đàn ông cần phải có chí hướng! Và, để không có điều ân hận muộn màng vì con hư tại ...cha, thì bên cạnh bàn tay dìu dắt dịu dàng của người mẹ, rất cần một bàn tay rắn khỏe, mạnh mẽ của người cha để giúp các em phát triển đúng hướng.

        Dựa theo Trần Đại Vĩ - Ngô Khu

Tin Liên Quan:

Bản quyền thuộc về: Trường THCS Phan Bội Châu. Địa chỉ: Xã ChưkBô, Huyện KrôngBuk, Tỉnh Đắk Lắk.

Điện thoại: (0500) 3.701718 - (0500) 3.562 503 - Email: truongthcsphanboichau@gmail.com