Chào mừng các bạn đến với Website Trường THCS Phan Bội Châu
Tra Từ Điển
Thư Viện Violet
Thống kê truy cập
  • Online : 2
  • Hôm nay : 0
  • Hôm qua : 0
  • Tuần này : 0
  • Tháng này : 0
  • Tổng Cộng : -7
Giáo Dục-Nghiên Cứu

Nhà khoa học, nhà văn hóa lớn với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Nhà khoa học, nhà văn hóa lớn với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 14-1-1908, nguyên quán tại Kẻ Trổ, xã Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Là một học giả lớn có nhiều đóng góp cho văn hóa dân tộc, những công trình nghiên cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục… với hàng chục công trình khoa học có giá trị, mang tính khai phá, mở đường. Là một nhà tư liệu học, Giáo sư đã khảo cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biên giới, góp phần vào việc chứng minh chủ quyền của nước ta về hai quần đảo này.
 
Năm 1966, tập san Sử Địa xuất bản ở Sài Gòn dưới thời chính quyền Sài Gòn, mà Tổng Biên tập kiêm Chủ bút là nhà sử học Nguyễn Nhã, ra số 29, ngày 20-1-1975, số chuyên đề đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, đã tập hợp các bài viết của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và nhiều tác giả thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bài viết của Giáo sư với tiêu đề Quần đảo Hoàng Sa được trang trọng in ở vị trí đầu tiên của tập san và đăng liên tiếp trên 2 số tập san Sử Địa.

Quần đảo Hoàng Sa là công trình khảo cứu của Giáo sư từ năm 1951, qua cách trình bày vấn đề với thái độ hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, đã toát lên phong cách tư duy khoa học của một nhà bách khoa uyên bác, thể hiện tấm lòng của một trí thức, dù sống xa quê hương, đối với một phần máu thịt của Tổ quốc. Để chứng minh chủ quyền, theo Giáo sư, thì phải có đầy đủ bằng chứng pháp lý của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ trước đây. Bằng chứng pháp lý đầy sức thuyết phục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại trong Đại Nam thực lục tiền biên với việc nhà Nguyễn đã ban hành những chính sách thiết lập đơn vị hành chính, lập bia, dựng miếu thờ thần biển trên quần đảo Hoàng Sa. Các tư liệu lịch sử trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí; Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú; sách Đông hành thi thuyết thảo của Lý Văn Phức… là nguồn tư liệu chính thống của lịch sử nước nhà, là căn cứ khoa học chủ yếu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn còn nghiên cứu rất công phu các tài liệu khác như bản đồ, bản vẽ. Giáo sư đã đối chiếu các bản đồ trong Toàn tập thiên nam lộ đồ vẽ năm 1741 với tư liệu trong Hồng Đức bản đồ. Giáo sư cho rằng, các bản đồ trước đời Gia Long đã khẳng định, bãi Tràng Sa (Trường Sa) hoặc bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) được coi là phần quan trọng không thể tách rời của đất nước Việt Nam. Giáo sư đã trích hai đoạn nói về vị trí địa lý trong Phủ biên tạp lục, trong đó phía ngoài cù lao Ré có đảo Đại Tràng Sa, nằm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Nhà vua đã lập đội Hoàng Sa để khai thác các nguồn lợi như yến sào, ốc vân, hải ba, hải sâm, đồi mồi… và những báu vật do các tàu bị đắm. Tất cả những tư liệu mà giáo sư đưa ra trong bài khảo cứu đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên những luận cứ xác đáng về sự hiện diện và những hoạt động của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ 16.

Giáo sư còn đặc biệt quan tâm khai thác các nguồn tài liệu nguyên gốc bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của các học giả phương Tây. Nguồn tư liệu cuối cùng mà Giáo sư sử dụng là những ghi chép của các thương nhân, các nhà truyền giáo nước ngoài… cách đây hàng thế kỷ khi đến Việt Nam đã có những nhận xét, đánh giá về quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

 Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng bài viết của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn vẫn giữ nguyên giá trị một thiên khảo cứu công phu, bao quát được nhiều sử liệu của Việt Nam và nước ngoài với cứ liệu phong phú, lập luận chặt chẽ.

Phần lớn cuộc đời của Giáo sư là ở nước ngoài, nhưng con người, sự nghiệp của Giáo sư lại dành cho quê hương, cho chủ quyền của biển đảo và chỉ mong có ích cho quê nhà. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn mất ngày 10-3-1996 tại Pa-ri, hưởng thọ 88 tuổi; thi hài được hỏa táng tại nghĩa trang L’Orme des Moineaux Les Ulis (Pháp).

Tin Liên Quan:

Bản quyền thuộc về: Trường THCS Phan Bội Châu. Địa chỉ: Xã ChưkBô, Huyện KrôngBuk, Tỉnh Đắk Lắk.

Điện thoại: (0500) 3.701718 - (0500) 3.562 503 - Email: truongthcsphanboichau@gmail.com