Chào mừng các bạn đến với Website Trường THCS Phan Bội Châu
Tra Từ Điển
Thư Viện Violet
Thống kê truy cập
  • Online : 2
  • Hôm nay : 0
  • Hôm qua : 0
  • Tuần này : 0
  • Tháng này : 0
  • Tổng Cộng : -7
Giáo Dục-Nghiên Cứu

Động lực nào thúc đẩy hành vi của trẻ?

Động lực nào thúc đẩy hành vi của trẻ?

Nhiều ông bố bà mẹ lấy làm kinh ngạc khi thấy chúng tôi có thể khiến con họ thay đổi “gần như 180 độ” chỉ sau một khóa học bốn ngày, trong khi họ không thể làm được việc đó suốt 14 năm với những lời cằn nhằn, đay nghiến bất tận. Một số người nghĩ, “Thì “bụt nhà không thiêng” chứ sao, bọn trẻ ngỗ nghịch chỉ chịu nghe người ngoài chứ không chịu nghe lời cha mẹ”. Nhưng tôi phải nói với bạn rằng, đó là cách hiểu sai lầm về những gì thật sự diễn ra trong tâm hồn trẻ.

Sở dĩ bọn trẻ chịu lắng nghe chúng tôi – kể cả những đứa nổi loạn và bất cần đời nhất – là vì chúng tôi hiểu được điều gì tác động mạnh nhất đến suy nghĩ và hành vi của chúng. Chúng tôi biết cách “điểm đúng huyệt” khiến chúng bừng tỉnh mà hiểu ra vấn đề.
Một khi học được những bí quyết trong chương này, bạn cũng có thể tác động đến con mình theo cách ấy. Tuy nhiên, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để thay đổi cách nghĩ của mình trước đã, và sau đó là thay đổi những biện pháp (có thể rất kém hiệu quả) mà bạn vốn quen dùng.
Động Lực Nào Thúc Đẩy Hành Vi Của Trẻ?
Vậy thì điều gì có tác động quyết định đến suy nghĩ và hành vi con trẻ? Câu trả lời là CẢM XÚC của chúng. Trong thực tế, cảm xúc tức thời của trẻ thường lấn át, che mờ hoặc thậm chí khống chế lý trí của chúng. Điều đó có nghĩa là trẻ xuôi theo những cảm xúc của chúng nhiều hơn là lý lẽ về những điều tốt – xấu đối với chúng.
Gần như tất cả những em mà chúng tôi nói chuyện đều biết rằng chúng nên học hành chăm chỉ vì như vậy sẽ giúp chúng đạt điểm cao, khiến thầy cô cha mẹ tự hào về chúng và sau này chúng sẽ có tương lai tươi sáng. Chúng hiểu tất cả những điều đó, chỉ có điều chúng vẫn… không học vì không CẢM THẤY muốn học. Người bạn trẻ nào cũng rõ rằng “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, rằng chẳng ai lo cho chúng như cha mẹ, ngặt một điều hễ cứ nghe bố mẹ lên lớp hay ca cẩm là chúng chịu không nổi, chỉ muốn cãi lại hoặc làm một cái gì đó cho bõ tức. Không một đứa trẻ nào ở tuổi vị thành niên không hiểu rõ những điều bị cấm đoán như hút thuốc, nói tục, trốn học, chơi game… đều là những việc có hại. Nhưng một số đứa vẫn cứ làm, như thể có một cái gì lôi kéo, xúi giục chúng làm việc ấy, như thể chúng CẢM THẤY một sự thỏa mãn nào đó khi làm những điều mà người lớn cấm tiệt.
Cảm Xúc Đi Trước, Lý Lẽ Theo Sau
Một khi đã biết rõ rằng con cái chúng ta bị sai khiến bởi tình cảm nhiều hơn lý trí, bạn sẽ nhận ra sự cố gắng thay đổi hành vi của trẻ bằng cách lên lớp, liên tục nhắc nhở hay đe nẹt là vô ích, thậm chí phản tác dụng, bất kể lời lẽ của bạn có hay ho và đúng đắn đến mức nào chăng nữa.
Những lời nhận xét hay khuyên bảo kiểu như: “Phải chăm học con nhé, vì tương lai của con đấy”“Đừng giao du với mấy thằng đầu bò đầu bướu nữa, con không biết câu gần mực thì đen gần đèn thì sáng hay sao”“Muốn làm việc hiệu quả con phải có thói quen ngăn nắp, gọn gàng” sẽ chỉ như “đàn gảy tai trâu” cho đến khi bạn biết cách gỡ rối những cảm xúc đang khuấy động trong lòng chúng. Khi đứa trẻ đang trong tâm trạng buồn bã, thất vọng, ngán ngẩm, giận dữ…, chúng chỉ biết đến những cảm xúc đó, thế nên tất cả mọi lời cằn nhằn, trách mắng trên đời này đều không thể làm chúng thay đổi, hoặc làm theo những lời giáo huấn của bạn.
Hiểu được “cơ chế” đó, tức là chúng ta đang tiếp cận với một thực tế là ta chỉ có thể tác động đến con cái bằng cách nhận biết và quan tâm thật sự đến cảm xúc của trẻ. Ta cũng nên học cách của người xưa, lợi dụng sức gió để đẩy cánh buồm đi mà không cần tốn sức. Tức là biết cách nương theo các loại cảm xúc thúc đẩy con cái hành động để lái chúng làm những việc mà ta muốn. Bọn trẻ chỉ làm những việc mà chúng thích làm mà thôi, và cách của chúng ta là làm cho chúng thích những điều ta muốn chúng làm.

(Theo sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)

Tin Liên Quan:

Bản quyền thuộc về: Trường THCS Phan Bội Châu. Địa chỉ: Xã ChưkBô, Huyện KrôngBuk, Tỉnh Đắk Lắk.

Điện thoại: (0500) 3.701718 - (0500) 3.562 503 - Email: truongthcsphanboichau@gmail.com